Tiến độ mới của sân bay Biên Hòa ở Đồng Nai
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành 16 cảng hàng không quốc nội. Trong đó, sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không khai thác lưỡng dụng với công suất dự kiến 5 triệu khách/năm.
Ngày 06/02/2024, Văn phòng Chính phủ có công văn số 874/VPCP-CN gửi Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai đầu tư dự án cảng hàng không Biên Hòa.
Theo văn bản, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải căn cứ theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, kiến nghị rõ về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo đúng Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ làm cơ sở để UBND tỉnh Đồng Nai triển khai ngay các thủ tục đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/02/2024; phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai bảo đảm đúng quy định và nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, được giao có ý kiến đối với việc giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo quy định của pháp luật, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/02/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 07/06/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 648/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, thời kỳ 2021-2030 hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); và 16 cảng hàng không quốc nội (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa).
Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); và 19 cảng hàng không quốc nội (gồm Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội).
Riêng sân bay Biên Hòa và sân bay Thành Sơn được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng.
Hồi tháng 11/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo đầu tư, xây dựng cảng hàng không Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng theo quy hoạch của Chính phủ.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, cảng hàng không Biên Hòa hiện có 2 đường băng cùng hệ thống phục vụ bay. Để khai thác lưỡng dụng, cảng cần xây thêm nhà ga, làm mới diện tích sân đỗ cho máy bay cùng các hệ thống chiếu sáng, dẫn đường để cho các loại máy bay thương mại cỡ lớn cất, hạ cánh.
Một góc sân bay Biên Hòa. |
Sân bay Biên Hòa thời kỳ 2021 – 2030 dự kiến có công suất đón 5 triệu khách/năm, định hướng tới năm 2050 đón 10 triệu khách/năm, với diện tích khoảng 1,050 ha. Chi phí ước tính đầu tư theo quy hoạch khoảng 6,655 tỷ đồng.