Lãi suất có thể tăng nhưng không đáng ngại
Chuyên gia ACBS không quá lo ngại nếu lãi suất tăng trong thời gian tới bởi mức sinh lợi có thể chưa đủ hấp dẫn và vì thị trường vẫn đang trong giai đoạn quyết tâm nâng hạng.
Lợi nhuận ngân hàng trong quý 2 khó có thể tốt hơn quý 1/2024
Trong chương trình Vietstock LIVE với chủ đề “Đọc vị kết quả kinh doanh Q1/2024 và triển vọng kinh tế Việt Nam” diễn ra chiều ngày 24/04, bà Đỗ Minh Trang – Giám đốc Trung tâm Phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết đến thời điểm này chưa có đầy đủ các dữ liệu của các doanh nghiệp niêm yết nhưng đặc thù chung của thị trường chứng khoán Việt Nam đó là tỷ trọng vốn hóa, lợi nhuận của ngành ngân hàng, bất động sản chiếm hơn 60% nên vẫn có thể nhìn được kết quả toàn cảnh.
Tỷ trọng lợi nhuận ngành ngân hàng trên VN-Index đã gia tăng trong suốt 8 năm vừa qua. Từ vùng khoảng 30%, đến quý 4/2023 đã tăng lên 65%. Trong đó, lợi nhuận của ngành bất động sản, xây dựng giao động từ 10 – 20% nhưng đã giảm còn 5.7% trong giai đoạn gần đây.
Theo chuyên gia ACBS, cần quan tâm nhiều đến nhóm ngân hàng để nắm bắt triển vọng VN-Index bởi sau giai đoạn khủng hoảng ngành ngân hàng năm 2012, cả ngành đã tốn khoảng 5 năm để xử lý các vấn đề nợ xấu và bắt đầu quay lại xu hướng tăng trưởng từ năm 2016 và đi lên một giai đoạn tương đối đều đặn. Đến nay, hầu hết ngân hàng đã niêm yết, đồng thời vừa có sự tăng về lượng cũng như về chất.
Hiện giờ thì mới chỉ có khoảng một nửa ngân hàng công bố, nhưng theo trung tâm nghiên cứu ACBS ước tính có thể thấy rằng xu hướng tăng trưởng lợi nhuận theo quý đang có sự chững lại, và chỉ tăng khoảng 4.5% so với quý trước.
“Thường mọi người hay nhìn vào tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nhưng tại sao chúng tôi lại quan trọng đến con số tăng trưởng so với quý trước. Bởi ngành ngân hàng tuy có tính chu kỳ, nhưng chu kỳ của ngành này là chu kỳ của nền kinh tế, nó rất dài. Những ngân hàng thì không có tính mùa vụ mà lợi nhuận dựa trên dư nợ tăng dần theo thời gian. Chúng ta thấy sự tăng trưởng rất rõ ràng và phản ánh sức mạnh về hoạt động kinh doanh cũng như tiềm năng sinh lời của ngành ngân hàng chủ yếu so sánh với quý liền trước thay vì cùng kỳ năm trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước, có thể vẫn thấy tăng 11-12%, nhưng nếu so trên mức tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm trước 12-13% thì có nghĩa là khả năng sinh lời của ngành đang giảm dần”, bà Trang giải thích.
Quý 1/2024 có thể là một quý tương đối thuận lợi đối với ngành ngân hàng cũng như TTCK bởi lãi suất đã bắt đầu giảm từ nửa cuối năm 2023 và duy trì mức thấp xuyên suốt 9 tháng vừa qua. Nhưng tăng trưởng tín dụng đến hết quý 1 chỉ đạt 1.34%. Mặc dù con số này không phải đáng thất vọng bởi thật ra quý 4 năm ngoái đã tăng gần 5%, nên đâu đó ngoài những biện pháp kỹ thuật, thì nhu cầu tăng trưởng trong quý vừa qua cũng không phải là yếu.
Nhưng với một nền lãi suất rất thấp như thế và nhiều chính sách kích thích cho vay thì lợi nhuận ngân hàng vẫn chưa thể hiện các kỳ vọng tăng trưởng của ngành. Và các yếu tố thuận lợi đấy có vẻ như đang giảm đi trong quý 2 tới, thậm chí một số yếu tố có thể trở nên khó khăn hơn trước bối cảnh Fed sẽ hạ lãi suất muộn hơn kỳ vọng.
Vì vậy, để ổn định tỷ giá VND, nền lãi suất chung có thể tăng lên trong khi những hoạt động khác chưa phát huy tác dụng và do đó triển vọng lợi nhuận quý 2 cũng khó có sự tăng trưởng tốt hơn quý 1.
Chuyên gia ACBS bà Đỗ Minh Trang tại buổi chia sẻ. Nguồn: Ảnh chụp màn hình |
Lãi suất nếu tăng vẫn không quá rủi ro
Đối với tỷ lệ nợ xấu, theo bà Trang, có hai giai đoạn nợ xấu rất cao trong 3-4 năm gần đây là giai đoạn COVID-19 và giai đoạn về khủng hoảng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Khi COVID-19 xảy ra, rất nhiều hoạt động bị tắc nghẽn nhưng sự hỗ trợ từ dòng tiền xuất nhập khẩu vẫn duy trì chất lượng nợ xấu của ngân hàng. Nhưng đến giai đoạn 2023, khi mà xuất nhập khẩu và rất nhiều hoạt động khác bị ảnh hưởng do tiêu dùng thế giới chậm lại, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao dần, dai dẳng hơn, không sụt giảm nhanh như quý 4/2020. Chi phí trích lập dự phòng tăng cao sẽ là tiêu điểm mà ngành ngân hàng cần xử lý trong năm 2024, đặc biệt với doanh nghiệp bất động sản.
Bên cạnh đó, số liệu ngành chứng khoán cho thấy tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước gần 73% về mặt lợi nhuận và tăng 21% so với quý liền trước. Lợi nhuận và thanh khoản của thị trường có sự tương quan chặt chẽ. Bởi khi thanh khoản lên, phí giao dịch gia tăng, phí margin tăng là những cấu phần chính tạo nên lợi nhuận công ty chứng khoán (CTCK).
Và nếu một thị trường đang trong giai đoạn “uptrend” tương đối dài thì các công ty này sẽ thu lợi nhuận từ mảng tự doanh. Đó là yếu tố củng cố và hỗ trợ lợi nhuận CTCK trong quý 1 vừa qua.
Tuy nhiên, có thể sẽ có rủi ro từ việc tăng lãi suất thời gian tới nhưng mức tăng này không đáng kể và sẽ không phương hại đến nhu cầu vay nợ để thực hiện những hoạt động kinh doanh lành mạnh của rất nhiều doanh nghiệp cũng như người dân. Và mức tăng đó chưa đủ hấp dẫn để khiến toàn bộ tiền quay trở lại dưới dạng tiền gửi tiết kiệm vào các ngân hàng. Vì vậy, kênh TTCK vẫn sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân.
“Ngoài ra, chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn quyết tâm nâng hạng thị trường, nên sẽ có thêm thanh khoản từ các tổ chức nước ngoài, quỹ đầu tư. Tuy quý 2 có thể tương đối trầm lắng nhưng chúng tôi cho rằng thanh khoản năm 2024 rất khả quan, có thể tiệm cận mức năm 2022. Nếu trường hợp Việt Nam thực hiện thành công các bước đi để nâng hạng thị trường vào năm 2025, thanh khoản thị trường sẽ được cải thiện mạnh mẽ. Đó sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các CTCK”, bà Trang phân tích.
Nên nhìn vào yếu tố người mua trả tiền trước, doanh thu chưa thực hiện
Nói về lợi nhuận cũng như triển vọng của ngành bất động sản, theo bà Trang, thứ nhất là sự đóng góp về doanh thu và lợi nhuận của nhóm cổ phiếu Vingroup, đặc biệt là CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) chiếm tỷ lệ lớn với gần 100 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận gần 30 ngàn tỷ đồng. Triển vọng của VHM phản ánh triển vọng chung của ngành.
Thứ hai là, đối với ngành bất động sản, doanh thu và lợi nhuận của kỳ hiện tại chỉ là kết quả của hoạt động mở bán trong quá khứ và vì thế đã phản ánh vào hầu hết việc tăng giá cũng như triển vọng cổ phiếu bất động sản. Việc cần quan tâm hơn đối với ngành này là hiện trạng triển khai các dự án mới, doanh số mở bán mới như thế nào.
Dựa trên kinh nghiệm của chuyên gia cho thấy doanh số mở bán mới và doanh thu chưa thực hiện là hai yếu tố mà nhà đầu tư cần nhìn vào một doanh nghiệp bất động sản để tìm kiếm cơ hội trong tương lai, hơn là chỉ nhìn vào con số doanh thu và lợi nhuận.
Theo báo cáo quý 1/2024 của CBRE, nguồn cung mở bán mới còn khá thấp, và thị trường thực sự khởi sắc lên vào cuối quý này nhưng chủ yếu tập trung ở phân khúc chung cư đô thị. Có thể thấy nhiều bài báo nói giá chung cư Hà Nội tăng nhưng chỉ chủ yếu trên thị trường thứ cấp.
Còn đối với doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp thì lượng mở bán tương đối khiêm tốn, hơn 2,300 căn ở Hà Nội còn TPHCM chưa đến 500 căn. Trong giai đoạn 2024-2026, CBRE dự đoán nguồn cung chung cư và nhà đất ở Hà Nội có thể được mở bán thêm khoảng 64 ngàn căn, còn TPHCM thì 42 ngàn căn.
Giám đốc Trung tâm phân tích ACBS đánh giá các yếu tố mở bán, doanh số, doanh thu chưa thực hiện, người mua trả tiền trước là quan trọng. Năm 2023, khi mà thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều vấn đề kể cả về nghĩa vụ nợ, thị trường trầm lắng, thậm chí là đóng băng… Nhưng nhìn doanh thu có thể thấy đó là giai đoạn đạt đỉnh vì là kết quả của thời gian mở bán từ năm 2021-2022 khi đó đã bán xong, bàn giao nhà và ghi nhận doanh thu.
“Cái chúng ta quan tâm đó là người mua trả tiền trước ở năm 2023 đã sụt giảm so với năm 2022”, bà Trang nói đồng thời nhận định nếu điều này không cải thiện nhiều trong các quý 1 và 2 thì lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024, 2025 được báo hiệu sẽ trầm lắng. Và thay vì kỳ vọng thị trường quay lại thời hoàng kim nhờ vào lãi suất thấp hay pháp lý thì nhà đầu tư nên nhìn vào những con số thực tế sẽ có câu trả lời chi tiết hơn.