Từ 2025, không còn cấp đất cho hộ gia đình, những hộ đã cấp xử lý ra sao?
Từ ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ không còn giao đất, cho thuê đất… cho đối tượng hộ gia đình.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Luật Đất đai 2024) gồm 16 chương và 260 điều, với nhiều nội dung mới, quan trọng.
Không giao đất, cho thuê đất với hộ gia đình
Trong số các nội dung trọng tâm từng được đưa ra lấy ý kiến thì quy định về đối tượng sử dụng đất nhận được nhiều sự quan tâm.
Hiện nay, Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này bao gồm hộ gia đình, cá nhân trong nước.
Trong đó, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Điều 4 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1-1-2025) quy định về người sử dụng đất không còn quy định đối tượng “hộ gia đình”.
Cụ thể, hộ gia đình sử dụng đất theo luật mới là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Trước đây, khi xây dựng chính sách này, lý do được cơ quan soạn thảo đưa ra là vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình.
Tại giai đoạn góp ý dự thảo, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự đồng tình. Như theo ThS Ngô Gia Hoàng (Trường ĐH Luật TP.HCM), hộ gia đình sử dụng đất chỉ “xuất hiện trong thời gian ngắn ở một số vùng và địa phương khi mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp không còn tồn tại. Hợp tác xã giao khoán đất cho hộ gia đình xã viên theo bình quân nhân khẩu, trên cơ sở đó công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình hoặc một số địa phương có chính sách giãn dân trên cơ sở giao đất ở cho hộ gia đình theo nhân khẩu”. Vì vậy, đến nay hầu như ít có ai xác lập quyền sử dụng đất với tư cách của hộ gia đình – một chủ thể được định nghĩa khá mơ hồ, khó xác định quyền giữa các thành viên theo Luật Đất đai.
Luật đất đai 2024 không còn quy định đối tượng hộ gia đình sử dụng đất. Ảnh: PLO |
Xử lý quyền sử dụng đất với hộ đã được giao đất trước đây
Việc bỏ đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình đặt ra vấn đề là những hộ gia đình đã được giao đất, cho thuê đất trước đây thì quyền sử dụng đất của họ sẽ ra sao?
Về việc này, Luật Đất đai 2024 vẫn có quy định điều chỉnh. Cụ thể, quyền sử dụng đất của hộ gia đình trước ngày 1-1-2025 thì được xử lý như sau:
Hộ gia đình sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tham gia quan hệ pháp luật về đất đai với tư cách nhóm người sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 của Luật này.
Hộ gia đình sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được thực hiện các quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất.
Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình để thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt thì phải ghi cụ thể các cá nhân là thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất vào quyết định giao đất, cho thuê đất.
Hộ gia đình được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trước ngày 1-1-2025 thì hộ gia đình đó được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại. Khi hết thời hạn sử dụng đất thì được gia hạn theo hình thức giao đất, cho thuê đất cho các cá nhân là thành viên hộ gia đình đó theo quy định.
NGUYỄN QUÝ