TP.HCM hiện có 16 chung cư cấp D cần phải di dời
Chiều 10/7, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM, ông Vũ Anh Dũng – Phó Trưởng phòng Phát triển Đô thị, Sở Xây dựng TP.HCM – cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Trong đó, 16 chung cư đã được kiểm định cấp D – tức mức độ hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, cần phải di dời và tháo dỡ để bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân đang cư ngụ.
![]() Ông Vũ Anh Dũng – Phó Trưởng phòng Phát triển Đô thị, Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu tại họp báo chiều 10/7. |
Trong số này, đã có 9/16 chung cư hoàn tất di dời với 534 hộ, trong đó 7 chung cư đã được tháo dỡ. Ba chung cư khác đang trong quá trình di dời, với 150/386 hộ dân đã chuyển đi; 4 chung cư còn lại chưa thực hiện di dời. Tính đến nay, tổng cộng 684/1,194 hộ dân tại các chung cư cấp D đã được di dời.
Cải tạo chung cư cũ còn chậm, vướng từ quy hoạch đến đồng thuận
Theo ông Dũng, tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn chậm, chủ yếu do các vướng mắc về cơ chế, quy hoạch và sự đồng thuận của người dân.
TP.HCM hiện chủ trương huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp để thực hiện các dự án cải tạo chung cư. Trong khi đó, Chính phủ cũng đã đưa ra cơ chế khuyến khích như miễn tiền sử dụng đất, tăng chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc. Tuy nhiên, do hầu hết các chung cư cũ nằm trong khu vực nội thành, việc điều chỉnh quy hoạch cần đảm bảo không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, xã hội và quy mô dân số hiện hữu. Đồng thời, quá trình lập, trình và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000, 1/500 thường kéo dài, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án, khó mời gọi được nhà đầu tư tham gia.
Thực tế cũng cho thấy, một số chung cư cấp D có diện tích khuôn viên quá nhỏ (dưới 1,000m²), không đáp ứng được yêu cầu tái định cư tại chỗ và hiệu quả đầu tư, khiến nhà đầu tư không mặn mà tham gia.
Nhiều vướng mắc trong bồi thường, tái định cư
Ngoài ra, quá trình triển khai xây dựng mới các chung cư cũ đã có nhà đầu tư cũng gặp không ít khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ di dời – do liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân. Chỉ cần một bộ phận cư dân chưa đồng thuận về phương án di dời, tạm cư hoặc tái định cư cũng có thể ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Một số vướng mắc khác phát sinh từ phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước chưa bán cho người dân, do pháp luật liên quan (nhà ở, đất đai, tài sản công) còn chồng chéo, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho việc xác định quyền sở hữu, bồi thường.
Đặt mục tiêu cải tạo toàn bộ chung cư cũ đến năm 2035
Để tháo gỡ khó khăn, ông Dũng cho biết Sở Xây dựng TP.HCM đã tham mưu UBND Thành phố phê duyệt Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, đến năm 2030, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản các bước chuẩn bị cho việc cải tạo – bao gồm kiểm định, quy hoạch, lập kế hoạch, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hồi đất, giao đất, cấp phép xây dựng… – đối với các chung cư được xây dựng trước năm 1975 và giai đoạn 1975–1994.
Đối với 16 chung cư cấp D đã được kiểm định, Thành phố sẽ hoàn thành công tác xây dựng lại. Những trường hợp phát sinh chung cư cấp D sau này sẽ được xử lý theo quy định phá dỡ khẩn cấp của Luật Nhà ở năm 2023.
Từ nay đến năm 2035, TP.HCM sẽ hoàn thành cơ bản việc sửa chữa hoặc xây dựng lại toàn bộ các chung cư xây dựng trước năm 1975, cũng như các chung cư cấp D hoặc đã hết niên hạn sử dụng xây dựng từ năm 1975 – 1994.
Cũng tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng – Phó Giám đốc Công an TP.HCM – cho biết, phần lớn các chung cư cũ trên địa bàn đều đã qua sử dụng hơn 20 năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt ở hệ thống kỹ thuật và hạ tầng phòng cháy chữa cháy (PCCC).
– 22:49 10/07/2025