Thái Bình: Phải trả tiền thuê đất suốt 5 năm dù không được sử dụng đất
5 năm nay, Ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn không có cách nào để đòi lại được khu đất hiện đang do một đơn vị khác quản lý, nhưng vẫn phải trả tiền thuê đất hàng năm.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Nhằm phục vụ thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê hơn 1,7ha đất tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Năm 2010, Ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) giao khu đất này cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng thầu PetroCos) và Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (Công ty PVC-ME) là đơn vị thành viên của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam mượn để đặt trạm trộn tạm thời phục vụ dự án Nhà máy.
Tuy nhiên, đến nay, Dự án hoàn thành và thời hạn mượn đất cũng hết hạn từ năm 2019. Ban Quản lý dự án Nhà máy nhiều lần yêu cầu Tổng thầu và Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí hoàn trả khu đất để bàn giao lại cho tỉnh Thái Bình.
Nhưng việc bàn giao khu đất vẫn không được thực hiện, không những vậy, hiện nay, trạm trộn này lại do đơn vị không liên quan đến Dự án điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.
Dân bức xúc vì trạm trộn gây ô nhiễm
Theo lộ trình sau khi hoàn thành xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, trạm trộn bêtông đặt tại thôn Tân Minh, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình sẽ được dỡ bỏ, di chuyển để bàn giao lại đất cho tỉnh Thái Bình quản lý.
Thế nhưng, 5 năm nay, Ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn không có cách nào để đòi lại được khu đất này, dẫn đến vẫn phải trả tiền thuê đất hàng năm.
Điều đáng nói, hiện nay, trạm trộn bêtông này vẫn hoạt động công khai sản xuất bêtông bán ra ngoài, không liên quan gì đến Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân tại thôn Tân Minh, xã Mỹ Lộc bởi khói bụi, tiếng ồn, mùi khét từ hoạt động sản xuất bêtông truyền thống và bêtông nhựa nóng.
Ông M .T. T (thôn Tân Minh, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy) bức xúc nhà tôi gần trạm trộn tiếng ồn của máy móc, khói bụi từ hoạt động sản xuất của trạm trộn này theo gió cuốn vào khu dân cư.
Chưa kể xe cộ chở vật liệu, bêtông tươi, asphalt ra vào trạm trộn cả ngày lẫn đêm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Không những vậy, gần đây trạm trộn còn nấu, sản xuất asphalt gây mùi khét lẹt, khó chịu, có những lúc người dân ở cuối gió tức ngực, không thở nổi…
Thực tế theo ghi nhận của phóng viên, hàng ngày, trước cổng trạm trộn, xe chở vật liệu, cũng như bêtông, asphalt thường xuyên ra vào liên tục gây bụi mù trên đường tỉnh DT.466, ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Được biết, tháng 8/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình có Quyết định xử phạt hành chính với trạm trộn này, do không có giấy phép môi trường theo quy định đối với hoạt động sản xuất bêtông thương phẩm và vi phạm về nước xả thải, tổng số tiền xử phạt 120 triệu đồng.
Cần sớm giải quyết việc chiếm dụng để bàn giao đất cho địa phương
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết để triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo đề nghị của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng thầu), Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho Tổng thầu (Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam) và Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (Công ty PVC-ME) – là đơn vị thành viên của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam mượn đất để làm trạm bêtông phục vụ Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng khu đất làm trạm trộn bêtông, Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí đã tự ý phối hợp, liên kết, chuyển nhượng tài sản, vật tư trên đất với nhiều công ty bên ngoài nhưng không báo cáo, thông báo cho Tổng thầu và Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Sau đó, quá trình liên kết làm ăn, kinh doanh giữa các đơn vị xảy ra tranh chấp về công nợ kéo dài, vì vậy, từ năm 2019 đến nay, khi thời hạn cho mượn đất đã hết – Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 có nhiều văn bản, báo cáo tỉnh, các sở, ban, ngành và huyện đề nghị giúp đỡ, hỗ trợ yêu cầu các đơn vị tháo dỡ tài sản, máy móc và trả lại đất để Ban trả lại cho tỉnh quản lý… cũng như tránh những vụ việc tranh chấp, làm ảnh hưởng đến uy tín của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trước bức xúc, kiến nghị của người dân, phóng viên đã làm việc với đại diện Ban Điều hành Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, thuộc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng thầu PetroCos).
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Ban Điều hành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình cho biết: “Chúng tôi bản thân là chủ thầu (Tổng thầu) cũng không biết đơn vị Vicons (Công ty cổ phần đầu tư phát triển Vicons) đang hoạt động, điều hành trạm trộn là đơn vị nào vì bản thân chúng tôi và đơn vị Vicons không có hợp tác, hay ký kết bất cứ hợp đồng gì.
Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình giúp đỡ giải quyết dứt điểm vụ việc để trả lại đất cho Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và bàn giao cho địa phương…”
Ông Đỗ Phúc Hậu, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thái Thụy cho biết đây là vụ việc tương đối phức tạp, tranh chấp kéo dài nhiều năm, theo đó, ngày 21/10/2020, Công an huyện Thái Thụy chủ trì cuộc họp giải quyết các vướng mắc trên khu đất trạm trộn này, qua đó yêu cầu các chủ thể liên quan khẩn trương giải quyết công nợ giữa các bên để hoàn trả mặt bằng cho Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trên khu đất trạm trộn. Tuy nhiên, đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết, khu đất trên vẫn chưa được bàn giao cho Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Cũng theo ông Hậu, vừa qua, ngày 20/5/2024, Ủy ban Nhân dân huyện Thái Thụy có văn bản giải quyết đề nghị của Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân huyện Thái Thụy đề nghị Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị khác có liên quan yêu cầu doanh nghiệp nhận chuyển nhượng thu, dỡ tài sản gắn liền với đất theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Thái Bình. Trường hợp các đơn vị không thu, dỡ đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện khởi kiện ra Tòa án để giải quyết dứt điểm vụ việc đưa đất sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, là dự án có quy mô lớn tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Rất mong tỉnh Thái Bình cùng với các đơn vị có liên quan, sớm giải quyết dứt điểm vụ việc trên để đảm bảo an ninh trật tự, cuộc sống cho người dân, cũng như tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra do tranh chấp giữa các bên…