HoREA kiến nghị bổ sung thông tin rao vặt, quảng cáo vào nguồn tin xác định giá đất
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) ngày 23/01 có văn bản đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy công tác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại.
HoREA cho biết Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, nên trong năm 2024, quy định về giá đất vẫn phải thực hiện theo Luật Đất đai 2013, do đó cần ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 44 để tháo gỡ các vướng mắc về định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại để chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước.
Trong kiến nghị của HoREA vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, Hiệp hội ưu tiên lựa chọn nguồn thông tin về giá đất của các cơ quan quản lý nhà nước gồm: cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, giá đất; đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, tại cơ quan thi hành án, tổ chức tín dụng có quyền sử dụng đất đưa ra đấu giá; tổ chức phát triển quỹ đất; cơ quan thuế, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ quan công chứng; các sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp bất động sản có xác nhận và đóng dấu; tổ chức tư vấn định giá đất, thẩm định giá; các tổ chức tín dụng, hiệp hội, viện trung tâm nghiên cứu (trong này, Hiệp hội đã loại bỏ nguồn thông tin tổ chức phát triển quỹ đất).
Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị bổ sung thêm nguồn tin về giá đất từ các thông tin rao vặt, quảng cáo, tiếp thị về giá mua bán, chuyển nhượng nhà, đất trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang tin tiếp thị nhà đất của chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, của các đơn vị môi giới tại địa phương hoặc liên quan đến địa phương có nhà, đất định giá.
Nguồn tin từ phỏng vấn trực tiếp có ký xác nhận hoặc không ký xác nhận của người chuyển nhượng hoặc người nhận chuyển nhượng là nguồn thông tin để Hội đồng thẩm định giá đất, người có thẩm quyền quyết định giá đất tham khảo, không có tính ràng buộc.
Hiệp hội cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung về trình tự xác định giá đất theo phương pháp thặng dư. Trong đó, bổ sung sử dụng chỉ số giá tiêu dùng CPI của địa phương, trường hợp không có chỉ số giá tiêu dùng của địa phương thì sử dụng chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước. Đối với phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, HoREA cũng kiến nghị xác định giá đất trên thị trường của khu vực có “thửa đất, khu đất cần định giá” thay vì từng “vị trí đất”.
HoREA cho biết, riêng tại TPHCM còn hơn 60 ngàn căn nhà thuộc dự án chưa được cấp sổ hồng, chưa bao gồm 10 ngàn căn nhà thuộc dự án mới tăng thêm mỗi năm. Nếu tính phạm vi cả nước thì con số có thể lên đến hàng trăm ngàn căn nhà chưa được cấp sổ.
* HoREA kiến nghị sửa Thông tư 22
* Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Khẩn trương đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống