Your search results

Hà Nội yêu cầu các địa phương hoàn thành giao đất dịch vụ cho hơn 19.000 hộ dân

Posted by Huu BĐS on Tháng Hai 2, 2024
0 Comments

Hà Nội yêu cầu các địa phương hoàn thành giao đất dịch vụ cho hơn 19.000 hộ dân

Hà Nội yêu cầu các địa phương hoàn thành giao đất dịch vụ cho hơn 19.000 hộ dân

Đến nay, sau hàng chục năm gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, Hà Nội mới giao đất dịch vụ cho 36.557 hộ, diện tích 248,33ha; số hộ chưa giao đất dịch vụ là 19.023 hộ, diện tích 112,19ha.

Thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Để phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã thu hồi đất của người dân bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện.

Một số địa phương sáp nhập về Hà Nội thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Tây (cũ) có chính sách giao đất dịch vụ cho những hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và tạo thuận lợi khi triển khai giải phóng mặt bằng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết tổng số nhu cầu đất dịch vụ để giao cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố là 360,52ha với 55.580 hộ. Đến nay, sau hàng chục năm gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, Hà Nội mới thực hiện giao đất dịch vụ cho 36.557 hộ, diện tích 248,33ha. Số hộ chưa giao đất dịch vụ là 19.023 hộ, diện tích 112,19ha, chủ yếu thuộc các quận, huyện Hà Đông, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai, Hoài Đức và Thanh Trì. Huyện Mê Linh chiếm diện tích lớn nhất 24,4 ha, với 5.705 trường hợp.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” vướng mắc về chính sách đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép áp dụng cơ chế đặc thù giải quyết đất dịch vụ nhằm đảm bảo công bằng giữa các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp (cùng thời điểm, cùng dự án) và theo cam kết của từng địa phương, dự án cụ thể qua các thời kỳ. Huyện Mê Linh được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý với đề xuất hỗ trợ giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp trên địa bàn huyện theo Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao đất dịch vụ tại một số địa phương khác, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng kế hoạch giao đất dịch vụ, báo cáo thống nhất chỉ đạo thực hiện, đảm bảo cơ bản hoàn thành giao đất dịch vụ năm 2024.

Các địa phương đã có quỹ đất hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật, đề nghị thực hiện giao ngay đất dịch vụ cho các hộ, cá nhân. Trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch nông thôn mới phải tổ chức rà soát, đề xuất vị trí đất dịch vụ thống nhất với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận và tổ chức thực hiện theo quy định.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh và các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể, đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu, thực hiện hỗ trợ giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, công bằng với các hộ có đất nông nghiệp thu hồi tương tự của tỉnh Vĩnh Phúc, tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện và không để xảy ra thất thoát ngân sách Nhà nước.

Tuyến đường trục Trung tâm khu đô thị mới Mê Linh, đoạn giáp ranh địa phận huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) và huyện Mê Linh (Hà Nội). (Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

Qua tìm hiểu thực tế tại huyện Mê Linh, sau gần 20 năm vướng mắc về chính sách giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đến nay, ngay sau khi được các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội tháo gỡ “điểm nghẽn,” huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết khi còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (từ trước năm 2008), huyện thu hồi hơn 2.000ha đất nông nghiệp của các hộ dân để triển khai dự án phát triển kinh tế-xã hội với giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ 12-18 triệu đồng/sào (tương đương 360m2).

Số hộ dự kiến được giao đất dịch vụ là 6.420 hộ, với tổng diện tích đất trả cho các hộ dân là 28,2ha. Đây là những hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Giai đoạn 2004-2008, huyện giao đất dịch vụ cho 460 hộ dân ở thị trấn Quang Minh và 255 hộ dân của xã Đại Thịnh với diện tích 3,8ha. Hiện còn 5.705 hộ dân chưa được giao đất với diện tích 24,4ha.

Xác định công tác giao đất dịch vụ cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, để bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con, với tinh thần “khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, vướng mắc ở cấp nào cấp đó phải giải quyết,” huyện Mê Linh chủ động làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội tìm lời giải cho “bài toán” đất dịch vụ. Đồng thời, huyện làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết đất dịch vụ cho 5.705 hộ dân còn lại.

Ngay sau khi có văn bản đồng ý chủ trương giao đất dịch vụ của các cấp có thẩm quyền, ngày 11/8/2023, Huyện ủy Mê Linh ban hành Đề án số 15-ĐA/HU về “Lãnh đạo, chỉ đạo giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân” và tổ chức hội nghị quán triệt đề án tại xã, thị trấn.

Huyện ủy Mê Linh chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo giao đất dịch vụ ở các cấp tập trung chỉ đạo toàn diện về công tác giao đất dịch vụ cho nhân dân. Huyện thành lập Hội đồng xét duyệt và Tổ công tác triển khai ở cả 3 cấp để tuyên truyền, rà soát, thống kê trường hợp được giao đất dịch vụ, phối hợp xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ và lên phương án giao đất dịch vụ; thực hiện quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ, cá nhân được giao đất, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định.

Lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết huyện đang rà soát và chuẩn bị xây dựng 12 dự án hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ, chia làm 3 nhóm. Đồng thời, huyện giao các phòng, ban chuyên môn phối hợp Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn rà soát quy hoạch, dự kiến đề xuất thực hiện 17 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 940 tỷ đồng. Trong đó, tại xã Tiền Phong, nhu cầu đất dịch vụ là hơn 6,8ha; thị trấn Quang Minh 6,8ha; thị trấn Chi Đông 3,7ha; xã Văn Khê 2,6ha; xã Tráng Việt khoảng 1,5ha…/.

Linh Khánh

vietnam+

Theo Vietstock ,Link gốc : http://vietstock.vn/2024/02/ha-noi-yeu-cau-cac-dia-phuong-hoan-thanh-giao-dat-dich-vu-cho-hon-19000-ho-dan-4221-1154647.htm

( Chúng tôi chỉ trích dẫn nguồn tin từ internet )

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Comment moderation is enabled. Your comment may take some time to appear.

Compare Listings

Exit mobile version