Doanh nghiệp địa ốc trước tiềm năng hình thành “siêu thành phố”
Việc sáp nhập tỉnh đang được đẩy nhanh, theo chuyên gia, trong xu hướng đó phía Nam có 3 địa phương tiềm năng hình thành một “siêu thành phố”. Hạ tầng tăng cường kết nối 3 tỉnh thành này cũng đang được đẩy mạnh. Loạt doanh nghiệp bất động sản trong khu vực đứng trước cơ hội lớn.
Theo ThS. Đoàn Minh Tuấn – Trưởng phòng phân tích – đầu tư, CTCP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT, chủ trương của nhà điều hành đang là sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh thành. Điều này tạo cơ hội lớn để hình thành các “siêu tỉnh/siêu thành phố”.
Với khả năng bổ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển, hạ tầng kết nối được đẩy mạnh, 3 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đang hội tụ rất nhiều điều kiện để hình thành một “siêu tỉnh/siêu thành phố”.
Theo đó, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính, công nghệ và thương mại lớn nhất cả nước, nhưng cần bổ sung quỹ đất để phát triển. Bình Dương thủ phủ công nghiệp với quỹ đất khu công nghiệp lớn nhất cả nước, năng lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể sẽ hỗ trợ thiếu sót này, song tỉnh này cần kết nối với cảng biển. Bà Rịa – Vũng Tàu sở hữu cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, là trung tâm logistics và công nghiệp năng lượng quan trọng, sẽ là mảnh ghép bổ trợ tốt.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2025-2028, đầu tư công vẫn là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Riêng miền Nam sẽ có hơn 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho các tuyến metro, cao tốc xuyên tâm, hệ thống vành đai và loạt dự án hạ tầng trọng điểm. Trong đó, 3 địa phương TPHCM – Bình Dương – Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được tập trung nguồn lực đầu tư kết nối.
Ngoài ra, bộ 3 Luật bất động sản chính thức có hiệu lực trong năm 2024 cùng với công tác tháo gỡ vướng mắc pháp lý các doanh nghiệp địa ốc đang được đẩy nhanh triển khai. Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bất động sản ở 3 địa phương này phát triển mạnh mẽ.
“Tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp. Bởi trước hết ưu thế của các công trình bất động sản sẽ được xác định theo khả năng kết nối trực tiếp hạ tầng. Ngoài ra, mỗi dự án đầu tư công sẽ có thời gian hoàn thiện khác nhau, thời điểm hoàn thành các phân đoạn trong cùng một dự án cũng không giống nhau. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt trong thứ tự hưởng lợi của các doanh nghiệp bất động sản. Do đó nhà đầu tư cần phân bổ nguồn lực phù hợp để tối ưu đón sóng đầu tư ở các cổ phiếu bất động sản theo dòng hoàn thiện hạ tầng phía Nam”, ThS. Tuấn đánh giá.
Ông Tuấn nhìn nhận, triển vọng các doanh nghiệp bất động sản ở khu vực này sẽ phân hóa theo 2 giai đoạn phát triển hạ tầng quan trọng là 2025-2026 và 2026-2028.
Trong đó, giai đoạn 2025-2026 sẽ chứng kiến sự thành hình của các tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành, vành đai 3, sân bay Long Thành, các dự án metro nội tỉnh/thành. Qua đó, doanh nghiệp bất động sản dân sinh, công nghiệp, đặc biệt là du lịch có dự án nằm tại khu vực được kết nối bởi các công trình này sẽ có phần nổi bật hơn.
Giai đoạn 2026-2028 hạ tầng sẽ được bổ sung tuyến vành đai 4, TPHCM Chơn Thành, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận. Đây là các tuyến đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là khu vực Bình Dương, Bình Phước.
Chuyên gia FIDT cho biết thêm, không chỉ hưởng lợi từ tăng cường kết nối hạ tầng, triển vọng bất động sản khu vực phía Nam còn đang được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô.
Cụ thể, Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP lên đến 8%, mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Để đạt được mục tiêu này cần phải có sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ mở rộng.
Thực tế cho thấy Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có định hướng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất vay thấp ít nhất đến hết 2025. Lãi suất tiết kiệm 12 tháng theo đó dự báo sẽ tiếp tục được giữ ở mức 5% – 5.5%/năm.
Nhiều ngân hàng thương mại cũng tung ra loạt gói vay mua nhà hấp dẫn với lãi suất ưu đãi từ 3.7% – 5.5%/năm duy trì cố định lên đến 3 năm, ân hạn gốc từ 3-5 năm, hạn mức cho vay tới 100% giá trị nhà, thời gian vay đến 40-50 năm.
Tựu trung lại, miền Nam đang bước vào một chu kỳ phát triển hạ tầng đồng bộ hiếm có, với tâm điểm là khu vực kinh tế TPHCM – Bình Dương – Bà Rịa-Vũng Tàu. Sự cộng hưởng giữa chủ trương cải tổ quản lý hành chính, đầu tư công mạnh mẽ, pháp lý tháo gỡ và chính sách tiền tệ hỗ trợ đang tạo ra nền tảng bền vững cho bất động sản khu vực này bứt phá.
“Tuy nhiên, sự phân hóa giữa các doanh nghiệp địa ốc khá rõ nét. Nhà đầu tư cần theo sát tiến độ từng dự án hạ tầng, nhận diện đúng doanh nghiệp có vị trí địa lý chiến lược, pháp lý minh bạch và khả năng triển khai thực tế tốt. Trong làn sóng đó, chỉ những cổ phiếu bất động sản “đúng chỗ – đúng thời điểm” mới có thể trở thành lựa chọn mang lại lợi nhuận tối ưu. Trong đó, các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, dự án hoàn thiện pháp lý tốt, được kết nối trực tiếp với hạ tầng mới, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, TP.HCM”, ông Tuấn đánh giá.
– 13:14 04/04/2025