Ai đứng sau ba doanh nghiệp chi hàng trăm tỷ để trúng ba mỏ cát tại Hà Nội?
Số tiền mà các đơn vị trúng giá ba mỏ cát tại Hà Nội gấp hàng chục lần vốn điều lệ doanh nghiệp.
Quyền khai thác ba mỏ cát trên địa bàn thành phố Hà Nội được đấu giá xuyên đêm từ sáng ngày 5 đến sáng ngày 06/11. Giá chốt 1,689 tỷ đồng, cao gấp hàng trăm lần mức khởi điểm mà Sở Tài nguyên Môi trường thành phố đưa ra.
Lai lịch ba đơn vị đấu trúng ba mỏ cát có doanh nghiệp hoạt động trong ngành đã lâu đời nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ mới thành lập vài tháng, thậm chí ra đời sau khi có thông báo đấu giá mỏ cát từ Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, CTCP Đầu tư Thương mại Việt Sơn (gọi tắt là Việt Sơn) trúng mỏ cát Châu Sơn (huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác hơn 703.5 ngàn m3. Giá khởi điểm gần 2.88 tỷ đồng, giá trúng gần 397 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần mức khởi điểm.
Việt Sơn là doanh nghiệp lâu đời nhất trong số ba công ty trúng đấu giá, thành lập vào năm 2009, ngành nghề khái thác quặng tại tỉnh Bắc Ninh. Công ty gắn liền với tên tuổi của ông Ngô Thành Sơn, người từng được biết đến là “ông trùm nạo vét cát”.
Vào năm 2013, Việt Sơn do ông Ngô Thành Quý làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Công ty có vốn điều lệ 9 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập gồm ông Ngô Thành Sơn nắm 5%, các cá nhân gồm ông Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Hiếu, Phan Tiến Thắng đều đã thoái hết vốn; còn lại cổ đông khác nắm 95%. Sau đó, ông Sơn tăng sở hữu lên 80%, cổ đông khác còn 20%.
Giữa năm 2014, Công ty tăng vốn lên 30 tỷ đồng. Sau đó, Công ty liên tục thay đổi người đại diện pháp luật sang ông Ngô Thành Sơn – Chủ tịch HĐQT vào tháng 04/2016; ông Hoàng Văn Vỹ – Tổng Giám đốc vào tháng 03/2017, cũng là thời gian ông Sơn thoái hết vốn và Công ty dời trụ sở chính đến TP. Hà Nội; ông Ngô Xuân Tùng – Tổng giám đốc vào tháng 11/2018.
Tháng 01/2019, Công ty nâng vốn lên 99 tỷ đồng. Tháng 09/2020, Công ty dời trụ sở về khu đô thị Nam Võ Cường, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 03/2022, vốn điều lệ đạt 100 tỷ đồng và ông Sơn – Chủ tịch HĐQT quay lại làm đại diện pháp luật. Tháng 4 năm nay, ông Quý – Tổng giám đốc lại thay ông Sơn làm đại diện pháp luật.
Ông Ngô Thành Sơn còn được biết đến là “ông trùm nạo vét cát” tại tỉnh Bắc Ninh. |
Doanh nghiệp thứ hai là Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng mỏ cát Tây Đằng – Minh Châu (huyện Ba Vì), trữ lượng được cấp quyền khai thác là 4.899 triệu m3. Giá khởi điểm hơn 19.29 tỷ đồng, giá trúng xấp xỉ 884 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.
Phúc Lộc Thịnh thành lập vào tháng 06/2012; trụ sở tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Công ty có ngành nghề đăng ký chính là đầu tư, xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp. Doanh nghiệp có 5 lao động, ông Nguyễn Văn Nha làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Vào tháng 10/2017, Công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng do ông Nguyễn Văn Phúc và bà Trương Thị Ngọ mỗi người góp 50%. Cả ba người này đều có cùng địa chỉ thường trú tại tỉnh Hưng Yên.
Giữa năm 2020, Công ty đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh chính sang sản xuất bê tông và các sản phẩm từ bê tông, xi măng và thạch cao. Vốn tăng lên 99 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của hai cổ đông giữ nguyên.
Tại tỉnh Hưng Yên, ngoài khai thác cát và thi công xây dựng công trình, Phúc Lộc Thịnh còn kinh doanh xăng dầu với trạm xăng dầu Phúc Lộc Thịnh.
Cây xăng Phúc Lộc Thịnh tại tỉnh Hưng Yên |
Cuối cùng là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP (gọi tắt là KSP) trúng mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác khoảng là hơn 508.6 ngàn m3. Giá khởi điểm hơn 2.05 tỷ đồng, giá trúng hơn 408 tỷ đồng, gấp gần 200 lần mức khởi điểm.
Logo của KSP |
KSP là doanh nghiệp non trẻ nhất trong ba doanh nghiệp trúng đấu giá, chỉ mới thành lập vào ngày 26/09 năm nay, tức trước thời điểm đấu giá khoảng một tháng rưỡi và sau cả thời điểm Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội ra thông báo tổ chức đấu giá ba mỏ cát (vào ngày 05/07/2023).
KSP có trụ sở tại số 94 phố Trần Đăng Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chính là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét với 5 lao động và ông Lê Sơn Tùng làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Vốn điều lệ gần 9.87 tỷ đồng do các hai nhân góp vốn là ông Nguyễn Văn Phong 52% và ông Tùng 48%.
Ngày 20/10, Công ty tăng vốn lên 50 tỷ đồng với 4 cá nhân tham gia gồm ông Phong góp 68%, ông Tùng 15%, ông Đặng Hoàng Sơn 12% và ông Nguyễn Văn Định 5%.
Thu Minh