Sóng đầu tư đất nền Tây Nam Bộ có quay trở lại?
Rất khó để có làn sóng lớn đầu tư đất nền ở Tây Nam Bộ, nếu có sẽ đến từ khu vực Đông Nam bộ, vì đây là khu vực rất động lực, có cảng biển, sân bay, nhiều khu công nghiệp, … tạo được sự kích thích đối với các nhà đầu tư hơn, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Kết nối hạ tầng giao thông thúc đẩy thị trường bất động sản miền Tây?
MBA Nguyễn Hoàng – Chuyên gia Bất động sản cho biết thị trường bất động sản các tỉnh miền Tây Nam Bộ vẫn đang phát triển nhưng quy mô tại thị trường này không thể so được với TPHCM hay Đông Nam bộ được.
“Mức độ mở rộng dự án ra quá nhiều trong khi tốc độ lấp đầy người dân chưa được kỳ vọng khiến người dân miền Tây không thể mua nhiều như TPHCM”, ông Hoàng lý giải.
Tuy nhiên, tiềm năng thị trường bất động sản sau này của miền Tây sẽ tốt hơn bởi sắp tới miền Tây sắp có 1.5-2 ngàn km đường cao tốc đến các trục dọc, trục ngang trên toàn vùng thì sự giao thông liên tỉnh sẽ tốt hơn, đặc biệt thị trường nông nghiệp, thủy hải sản và các lĩnh vực khác nữa sẽ được phát triển giúp miền Tây phát triển kinh tế.
“Hạ tầng giao thông giống như mạch máu nuôi sống cả nền kinh tế miền Tây thì trong tương lai các dự án bất động sản sẽ có sự khởi sắc hơn”, ông Hoàng nói.
Một đoạn tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. |
Cùng quan điểm, ông Phạm Trọng Phú – Giám đốc Công ty Titanium cho biết, dân số TPHCM hiện khoảng 8.9 triệu người, gần gấp đôi 13 tỉnh miền Tây, nên để một khu nào đó phát triển thì phải có dân cư về sinh sống, mới phát triển bền vững và sẽ phát triển các công việc đi theo.
Hiện hạ tầng giao thông đang hình thành, sắp tới sẽ có thêm một loạt cao tốc, vành đai thực hiện sẽ tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ cho khu vực Đông Nam Bộ. Khu vực này đang có mật độ dân số ổn định nên dự báo thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững.
“Cao tốc Long Thành – Dầu Giây chuẩn bị kết nối với cao tốc Bến Lức – Long An, sắp tới sẽ có trục cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, khi mà kết nối các hạ tầng giao thông này thì trở nên thông suất, khá đồng bộ cho khu vực Đông Nam bộ sẽ giúp thị trường bất động sản khu vực này trở nên tốt hơn”, ông Phú nhận định.
Không phải có đường là có nhà
Theo TS Sử Ngọc Khương – Phó Viện Trưởng IIB, từ đầu năm đến nay không quá một bàn tay các dự án được cấp phép xây dựng mới về nguồn cung nhà ở. Ông Khương cũng cho rằng nguồn cung từ đây đến cuối năm ra thị trường cũng không quá ồ ạt.
Bên cạnh đó, các sản phẩm được đưa ra thị trường trong thời gian qua không đại diện cho nguồn thu nhập bình quân của người lao động (khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng). Với khả năng thu nhập này, người dân muốn mua nhà ở tại TPHCM là rất khó.
Tuy nhiên, bài toán giao thông liên kết vùng có hiệu quả rất cao, do đó bất động sản cũng được hưởng lợi và nếu thị trường ấm lên từ đây đến cuối năm thì là các sản phẩm thứ cấp, mua đi bán lại và phân khúc đất nền.
“Khi cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, đi khoảng 30-45 phút bằng các phương tiện công cộng thì điều này kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ vào tầm ngắm của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước”, vị Chuyên gia chia sẻ.
Mặc dù vậy, không phải có đường là có nhà và kéo theo bất động sản phát triển mà còn phải phụ thuộc vào bài toán kinh tế, an sinh xã hội của khu vực đó.
Ông Khương nhận định thị trường bất động sản 2025 sẽ phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô; thứ hai là sẽ liên quan đến việc thực thi các luật và cuối cùng là sự chấp nhận của thị trường.
“Các luật liên quan đến bất động sản đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/08/2024, nhưng để các luật này đi vào đời sống còn phụ thuộc vào các thông tư, nghị định, sự hấp thụ và phản ứng của thị trường”, ông Khương nói.
Sóng đầu tư đất nền có “hot” trở lại?
Theo ông Khương, đối với nhà đầu tư cá nhân muốn mua đất nền với quan điểm rằng “người sinh ra chứ đất không sinh ra” là lý do chính đáng để nắm giữ tài sản.
Để thành làn sóng nhà đầu tư cá nhân đầu tư mua đất nền ở quanh khu vực TPHCM, với mức thu nhập bình quân thấp, việc mua đất rất là khó khăn. Do vậy, việc mua đầu tư quanh các khu vực TPHCM chỉ dành cho những người có tiền nhàn rỗi.
Còn theo ông Hoàng, không thể dùng đòn bẩy tài chính để mua lướt sóng đất nền rồi chờ 6 tháng hay một năm để bán, điều này hiện rất khó vì không thể biết thị trường bất động sản diễn biến như thế nào. Nhiều nhà đầu từ mua đất nền thời điểm 2020-2021 đến nay vẫn chưa thoát được hàng.
Luật Đất đai mới có hiệu lực từ đầu tháng 8 đã siết chặt hơn về phân lô, bán nền làm lo ngại về nguồn cung sẽ hạn chế; cộng thêm thông tin 2025 áp dụng bảng giá mới làm cho giá đất tăng lên.
Do đó, để có làn sóng như những năm 2021 thì không có thời gian như thế nữa. Thị trường được dẫn dắt bởi những nhà đầu tư, mà nhà đầu tư hiện nay còn kẹt vốn thì sao mà dẫn dắt được nữa, chuyên gia nêu thực trạng.
Trừ khi có một số thông tin mang đến động lực lớn như tăng trưởng kinh tế sẽ tác động đến túi tiền của người dân rất nhiều, còn để trông chờ làn sóng về đất đai như thời điểm 2020-2021 sẽ rất khó.
TS Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng cũng cho rằng rất khó để có làn sóng lớn đầu tư đất nền ở khu vực miền Tây, còn nếu có sẽ đến từ khu vực Đông Nam Bộ, vì đây là khu vực rất động lực, có cảng biển, sân bay, nhiều khu công nghiệp… sẽ tạo được sự kích thích đối với các nhà đầu tư hơn.