Những đời chủ của toà nhà được bà Trương Mỹ Lan “hét” giá tỷ đô ở Hà Nội
Theo dòng xét xử vụ trọng án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), một tòa cao ốc nằm tại vị trí “đắc địa” tại Thủ đô Hà Nội bỗng chốc thu hút dư luận vì nằm trong danh sách các tài sản được gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan rao bán nhằm khắc phục hậu quả.
Độ “hot” của tòa nhà không chỉ nằm ở vị trí đắc địa, mà còn ở giá trị trao tay qua các đời chủ, từ chỉ hơn ngàn tỷ đồng nay hóa thành cả tỷ USD chỉ sau vài năm.
Tòa nhà được “hét” giá tỷ đô đang thế chấp tại 4 nhà băng ngoại
Tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát vào chiều 12/03, bà Lan đề cập đến việc người con gái của bà đang rao bán tòa nhà ở Hà Nội trị giá 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả.
Nhưng đến phiên toà 15/03, Chủ tọa cho biết đã nhận được văn bản của con gái bà Lan là Chu Diệp Phấn, trình bày đang có người trả 360 triệu USD chứ không phải 1 tỷ USD. Đồng thời tòa nhà này đang thế chấp vay 4 ngân hàng nước ngoài số tiền 230 triệu USD, do đó sau khi bán sẽ trả nợ các ngân hàng, số tiền còn lại dùng để khắc phục hậu quả trong vụ án. Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày: “Đã có người trả giá tòa nhà 400-500 triệu USD“.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại một phiên xét xử – Ảnh: Người Lao Động |
Toà nhà “tỷ đô” ở Hà Nội được bà Lan nhắc đến chính là toà nhà văn phòng tại số 29 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội – Capital Place. Cao ốc nằm ngay trên trục đường huyết mạch Liễu Gai – Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh. Quy mô 100,000 m2 mặt sàn văn phòng và thương mại, 32 thang máy tốc độ cao, sàn văn phòng không cột lớn nhất Việt Nam, là tòa nhà văn phòng đầu tiên ở Hà Nội đạt chứng chỉ LEED Gold (chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế cho công trình kiến trúc xanh).
Hình ảnh tòa nhà Capital Place được đăng tải ở thời điểm 14/03/2023 – Ảnh: Capital Place |
Dự án từng qua những đời chủ nào?
Vào ngày 11/03/2019, UBND TP. Hà Nội có quyết định cho phép CTCP Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần dự án cho CTCP Twin-Peaks. Phần dự án chuyển nhượng này chính là toà văn phòng nêu trên có tổng mức đầu tư hơn 1,221 tỷ đồng vào thời điểm chuyển nhượng.
CTCP Twin-Peaks thành lập ngày 28/11/2018, địa chỉ ngay tại 29 Liễu Giai; hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Twin-Peaks có vốn điều lệ ban đầu gần 2,113 tỷ đồng. Trong đó Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị An Cư (có địa chỉ tại Hà Nội) nắm 98%, bao gồm 65.1% cổ phần phổ thông và 32.8% cổ phần ưu đãi hoàn lại; còn lại 1.5% và 0.5% lần lượt thuộc về hai cá nhân là Hoàng Thị Lan Anh và Nguyễn Hoàng Anh (Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật).
Công ty An Cư thành lập tháng 06/2016, do bà Nguyễn Thị Oanh làm Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, do hai cá nhân sống tại Hà Nội góp vốn là Nguyễn Phi Long 70% và Nguyễn Khắc Đát 30%. |
Những năm sau đó, chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Twin-Peaks liên tục thay đổi xen kẻ giữa các cá nhân người Singapore và Malaysia, gồm ông Lim Teng-Kiat (Singapore) vào 14/05/2019, ông Patrick Liau Kong Voon (Malaysia) vào 21/02/2020, ông Lim Boon Hwee (Singapore) vào 13/01/2022, ông Ong Khing Wee (Malaysia) vào 24/08/2022, ông Yoong Voon Sin (Singapore) vào 11/11/2022, ông Chong Kah Fu (Malaysia) vào 13/01/2023.
Ông Lim Teng-Kiat là đại diện CapitaLand Việt Nam khu vực phía Bắc; ông Patrick Liau Kong Voon là Giám đốc điều hành CapitaLand Malaysia, Tổng giám đốc miền Bắc Việt Nam của CapitaLand Development (CLD); ông Lim Boon Hwee (còn gọi là Eddie Lim) là đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land (trước đây là CTCP Cirius Power, thành lập vào 15/05/2019). Ông Ong Khing Wee là Giám đốc dự án và khu vực phía Bắc của Viva Land (VN). Ông Yoong Voon Sin là Tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam. Ông Chong Kah Fu Adrian là Giám đốc dự án của CapitaLand Việt Nam. |
Trong giai đoạn liên tục thay đổi lãnh đạo người Singapore và Malaysia nêu trên, cơ cấu sở hữu của Twin-Peaks cũng biến động lớn. Cụ thể, ngày 08/11/2019, toàn bộ vốn thuộc về các công ty đến từ Singapore, bao gồm Vibrant Growth Pte Ltd nắm 51% (34.270% cổ phần phổ thông và 16.730% cổ phần ưu đãi hoàn lại), Vibrant Growth Two Pte Ltd nắm 45% (30.238% phổ thông và 14.762% ưu đãi hoàn lại), Vibrant Growth Three Pte Ltd nắm 4% (2.688% phổ thông và 1.312% ưu đãi hoàn lại).
Các công ty này có tên gọi gần giống nhau và có cùng địa chỉ tại 168 Robinson Road, Capital Tower, Singapore và đều là thành viên trong hệ sinh thái của đại gia bất động sản châu Á CapitaLand.
Theo tìm hiểu, quyền lợi của CapitaLand tại Vibrant Growth Pte Ltd được nắm giữ thông qua CapitaLand Vietnam Commercial Value-Added Fund (CVCVF), một quỹ đầu tư bất động sản thành lập vào năm 2017 với quy mô 177 triệu SGD (130 triệu USD), được quản lý bởi CapitaLand Investment Limited (CLI) – chi nhánh đầu tư bất động sản của Tập đoàn CapitaLand. Xa hơn, CapitaLand Development (CLD) nắm giữ 50% cổ phần của CVCVF, còn lại do MEA Commercial Holdings nắm giữ.
Vào ngày 20/01/2022, CLD thông báo thoái vốn dự án Capital Place với giá 751 triệu SGD (550 triệu USD) cho người mua không tiết lộ danh tính.
Sự tò mò của dư luận không bị thử thách lâu khi chỉ 4 ngày sau, Viva Land (CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land) bất ngờ công bố chính thức sở hữu tòa nhà Capital Place. Đây là một trong những thương vụ M&A có giá trị lớn đầu tiên của thị trường bất động sản Đông Nam Á trong năm 2022.
Ở thời điểm đó, ông Ronald Tay – Giám đốc điều hành của CLD (Việt Nam) cho biết việc thoái vốn Capital Place là một phần trong chiến lược rút lui của CVCVF và phù hợp với nỗ lực quay vòng vốn của CLD nhằm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. CLD sẽ phân bổ lại số tiền thu được từ việc thoái vốn vào các tài sản có hiệu suất sinh lời cao hơn.
Thương vụ tiếp nối khi tại thời điểm 07/02/2022, nhóm thuộc CapitaLand chỉ còn lại hai cái tên là Vibrant Growth Pte Ltd (51%) và Vibrant Growth Three Pte Ltd (4%) trong cơ cấu cổ đông tại Twin-Peaks, còn lại 45% thuộc về CTCP Sài Gòn Helios – một pháp nhân từng gây xôn xao khi lọt top 40 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022.
Sài Gòn Helios thành lập ngày 15/06/2017, kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, trụ sở tại 259 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM. Công ty ban đầu có vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất nắm 98% vốn là CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Sài Gòn Star, còn lại ông Võ Trung Chính và bà Đặng Thanh Phương mỗi người nắm 1%, riêng bà Phương đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Sau nhiều thay đổi, đến tháng 11/2021, vốn điều lệ tăng lên 3,500 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu không được công bố. Hiện tại, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật do bà Nguyễn Thị Viết Lan đảm nhiệm, trụ sở Công ty cũng chuyển về số 19 (tầng 1 và 2) Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.
Đáng chú ý vào tháng 4/2022, Sài Gòn Helios có thế chấp tài sản liên quan đến khoản sở hữu 45% tại Twin-Peaks cho bên nhận bảo đảm là hàng loạt nhà băng như HSBC, Hongkong và Shanghai (chi nhánh Singapore), Oversea-Chinese. Trước đó, tháng 12/2021, hợp đồng vay có liên quan đến Twin-Peaks, Sài Gòn Helios và một pháp nhân khác là Crown Royal, giá trị lần lượt gần 276.6 tỷ đồng và gần 335.3 tỷ đồng, cũng được Sài Gòn Helios mang đi làm tài sản bảo đảm cho một giao dịch khác.
Quay trở lại với thương vụ, trong năm 2022 – thời điểm CapitaLand thông báo thoái vốn và Viva Land công bố là chủ mới của tòa nhà Capital Place, địa chỉ email Twin-Peaks cũng thay đổi, cụ thể vào ngày 22/02/2022, từ đuôi @capitaland.com thành đuôi @vivaland.com. Dữ kiện này càng khẳng định hơn giao dịch “sang tay” tòa nhà Capital Place giữa CapitaLand và Viva Land.
Tòa nhà Capital Place (giữa) nằm tại vị trí đắc địa ở Thủ đô Hà Nội và còn logo Viva Land tại thời điểm tháng 1/2023, nằm cạnh tòa nhà Lotte (trái) và Vinhomes Metropolis (phải) – Ảnh: Huy Khải, tháng 1/2023 |
Về Viva Land, được thể hiện là một trong ba đối tác quan trọng trên website chính thức của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Dù chỉ mới thành lập chưa lâu nhưng Viva Land lại nắm vai trò quản lý nhiều dự án đắc địa ở Hà Nội và TPHCM.
Nguồn: Ảnh chụp màn hình website Tập đoàn Vạn Thịnh Phát |
Viva Land thành lập vào tháng 5/2019, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Vốn điều lệ 2,000 tỷ đồng; cơ cấu cổ đông gồm bà Nguyễn Thị Kim Khánh nắm 30%, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai 25% và bà Dương Thị Hạnh 20%. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật Viva Land lần lượt do các cá nhân đảm nhiệm như bà Nguyễn Thị Kim Khánh (12/2021), ông Eddie Lim (tháng 07/2022), ông Trương Quang Mười (12/2022).
Tuy nhiên chỉ chưa đầy một năm sau đó, giữa năm 2023, logo Viva Land đã không còn hiện diện trên tòa nhà 29 Liễu Giai, mà quay trở lại logo của Capital Place như hiện nay.
Đến tháng 5/2023 logo Vivaland đã không còn hiện diện trên tòa nhà Capital Place – Ảnh: Capital Place |
Trong diễn biến mới nhất đầu năm nay, ngày 25/01, một cá nhân người Việt Nam là ông Đoàn Lâm Cường (sống tại TPHCM) ngồi vào ghế Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Twin-Peaks thay cho ông Chong Kah Fu. Đồng thời các địa chỉ email của doanh nghiệp lại “xoay vòng” về lại @capitalplace.vn.