0 VNĐ to 200.000.000.000 VNĐ

We found 0 results. View results
Your search results

Đằng sau doanh nghiệp ba tháng tuổi làm khu đô thị Hoàng Diệu – Đông Hòa ở Thái Bình

Posted by Huu BĐS on Tháng Mười Một 6, 2023
0

Đằng sau doanh nghiệp ba tháng tuổi làm khu đô thị Hoàng Diệu – Đông Hòa ở Thái Bình

Đằng sau doanh nghiệp ba tháng tuổi làm khu đô thị Hoàng Diệu – Đông Hòa ở Thái Bình

Doanh nghiệp vừa mới được thành lập để làm khu đô thị Hoàng Diệu – Đông Hòa ở Thái Bình có những nhân tố từ các công ty gia đình nổi tiếng.

Dự án phát triển nhà ở thương mại khu đô thị Hoàng Diệu – Đông Hòa tại TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến đánh giá tác động môi trường.

Thông tin tại báo cáo đánh giá tác động môi trường hé lộ một pháp nhân mới thành lập chưa đầy 3 tháng, làm chủ đầu tư dự án này.

Phối cảnh khu biệt thự của dự án

Báo cáo cho biết, năm 2023, UBND tỉnh Thái Bình giao Liên danh CTCP Lam Sơn Invest, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đông A, CTCP LICOGI 13 – Nền móng Xây dựng làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại khu đô thị Hoàng Diệu – Đông Hòa, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình tại Quyết định 1574/QĐ-UBND ngày 20/07/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách xếp hạng nhà đầu tư và kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án. Ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, liên danh này đã nhanh chóng góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án là CTCP Eco Lake Thái Bình để triển khai dự án.

Eco Lake Thái Bình ra đời chỉ vài ngày sau đó, vào 10/08/2023, với vốn điều lệ 28 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Cơ cấu cổ đông gồm Công ty Đông A góp 42.5%, Lam Sơn Invest 42.5% và LICOGI 13 – Nền móng Xây dựng 15%. Ông Nguyễn Như Kiên làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ông Kiên còn là Tổng Giám đốc Lam Sơn Invest và là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thái Bình nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Ông Nguyễn Như Kiên (sinh năm 1985) – Tổng Giám đốc Eco Lake Thái Bình

Khu đô thị Hoàng Diệu – Đông Hòa có diện tích hơn 16.1ha, trong đó diện tích đất lúa 2 vụ là gần 13.4ha (dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ lớn hơn 10ha thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy định về Luật Đất đai). Quy mô dân số dự kiến 1,188 người. Dự án cung cấp 296 căn nhà ở thấp tầng, 241 căn nhà ở liên kế, 56 căn biệt thự.

Nguồn: Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án

Tổng mức đầu tư dự án là 655.3 tỷ đồng; gồm chi phí thực hiện 585.8 tỷ đồng; giá trị bồi thường hỗ trợ, tái định cư hơn 69.4 tỷ đồng. Ngoài ra còn có giá trị nộp ngân sách Nhà nước bằng tiền ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư là 48.6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 52 tháng kể từ ngày UBND tỉnh ký quyết định giao đất, dự tính từ quý 2/2023 – quý 4/2028.

Cổ đông lai lịch khủng

Các cổ đông sáng lập Eco Lake Thái Bình đều có lai lịch khủng và tiếng tăm trên thương trường.

Đầu tiên là thành viên đứng đầu Liên danh – Lam Sơn Invest, tiền thân là CTCP Đầu tư Phát triển Lam Sơn Thái Bình, thành lập năm 2015, trụ sở tại tỉnh Thái Bình với ngành nghề chính là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, lương thực. Vốn điều lệ ban đầu 16 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Lam Sơn Thái Bình nắm 52%, ông Nguyễn Như Kiên (giữ chức Giám đốc) nắm 38% và bà Lê Thị Thu Thảo (Kế toán trưởng) 10%. Công ty ban đầu do bà Nguyễn Thị Dung làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. Bà Dung sinh năm 1956 và là mẹ của ông Kiên. Tháng 02/2020, Công ty có đến 3 người làm đại diện pháp luật gồm ông Kiên (Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc), ông Nguyễn Như Sơn (sinh năm 1952, chồng bà Dung, giữ chức Chủ tịch HĐQT), bà Nguyễn Thị Thủy (Thành viên HĐQT).

Năm 2021, sau khi tăng vốn lên 26 tỷ đồng, Công ty đổi tên thành CTCP Lam Sơn Invest như hiện nay, đồng thời đổi ngành nghề chính thành kinh doanh bất động sản. Đến tháng 11/2021, Công ty tăng vốn lên 111 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không được công bố. 

CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Lam Sơn Thái Bình là doanh nghiệp nổi tiếng ở Thái Bình, gắn liền với tên tuổi ông Nguyễn Như Sơn, tiền thân là Công ty TNHH Lam Sơn ra đời năm 1996. Ngành nghề kinh doanh ban đầu là xay xát và mua bán đổi phân bón phục vụ nông nghiệp.

Năm 2016, Công ty đổi tên thành CTCP Lam Sơn Thái Bình. Đến nay, vốn điều lệ đạt 188 tỷ đồng, các cổ đông gồm ông Nguyễn Như Sơn nắm 22.766%, bà Nguyễn Thị Dung 18.085% và ông Kiên (giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật) 16.702%. Hiện doanh nghiệp có 4 đơn vị trực thuộc gồm Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Phú Đạt, Công ty TNHH vận tải Lam Sơn Thái Bình, CTCP ABC Việt Nam. Các doanh nghiệp này đều do con trai, gái, dâu, rể trong gia đình ông Sơn đảm nhiệm các chức vụ quan trọng.

Gia đình doanh nhân Nguyễn Như Sơn

Pháp nhân thứ hai trong Liên danh là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đông A, thành lập từ năm 2008, do ông Trần Văn Trà làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Công ty hiện có vốn điều lệ 85 tỷ đồng, với các cổ đông gồm CTCP Tập đoàn Hương Sen (đại diện ông Trần Văn Sen) nắm 86%; ông Trần Văn Sen 4%, ông Trần Văn Trà 4% cùng các cá nhân gồm ông Trần Công Văn nắm 2%, bà Lê Thị Báp 2% đều có chung địa chỉ thường trú tại tỉnh Thái Bình, ngoài ra còn có bà Trần Kim Chi nắm 2% còn lại.

Tập đoàn Hương Sen là doanh nghiệp dệt may lâu đời và nổi tiếng tại Thái Bình của gia đình ông Trần Văn Sen, đồng thời là chủ thương hiệu bia Đại Việt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gia đình này còn nổi tiếng với những sản phẩm F&B khác như sữa gạo Bibabibo, trà TVT, rượu Lạc Hồng…

Lịch sử hình thành cho thấy Tập đoàn Hương Sen xuất phát là tổ hợp dệt nhuộm cao cấp Tân Phương, ra đời năm 1981. Đến 1988 đổi tên thành Xí nghiệp Dệt nhuộm Hưng Hà. Năm 1991 đổi thành Công ty Dệt nhuộm in hoa Hương Sen. Năm 1998 đổi thành Công ty Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hương Sen. Năm 2009, đổi tên thành CTCP Tập đoàn Hương Sen như hiện nay; hoạt động trong các lĩnh vực bia rượu, nước giải khát, bất động sản, dệt may, bao bì, kinh doanh nhà hàng khách sạn và đầu tư các khu công nghiệp.

Đông A có trụ sở tại Hà Nội, là công ty con trực thuộc tập đoàn Hương Sen, chuyên kinh doanh mảng bất động sản và nhà hàng khách sạn.

Theo giới thiệu của doanh nghiệp, nghệ nhân Trần Văn Sen là hậu duệ đời thứ 41 của dòng họ Trần. Ông sinh ra và lớn lên ở làng Phương La (làng Mẹo), xã Thái Phương (huyện Hưng Hà) – nơi có nghề dệt vải được gây dựng từ thế kỷ XVIII gắn với quá trình dựng nghiệp của vương triều Trần. Ngay từ năm 1937, ông nội nghệ nhân Trần Văn Sen là người có công đầu đưa những tấm vải dệt từ làng Mẹo xuất khẩu sang nước Nhật.

Ông Trần Văn Sen

Tại Tập đoàn Hương Sen, doanh nhân sinh năm 1940 Trần Văn Sen là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Tháng 10/2017, Công ty có vốn điều lệ 233 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cho thấy ông Trần Văn Sen nắm 41%, bà Lê Thị Báp nắm 20%, các con của ông Sen gồm Trần Văn Trà, Trần Thị Ngọc Bích, Trần Thị Hoài, Trần Kim Chi, Trần Văn Công, Đỗ Văn Vẻ mỗi người sở hữu 6.5%. Vào tháng 7 năm nay, Công ty mới nâng vốn điều lệ lên 315 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không được công bố. 

Cổ đông cuối cùng của Eco Lake Thái Bình là CTCP LICOGI 13 – Nền móng Xây dựng (LICOGI 13 – FC), thành lập năm 2007, là công ty con của CTCP LICOGI 13 (HNX: LIG) nắm 51%; chuyên thi công xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, thủy điện; đầu tư kinh doanh bất động sản…

Ngoài LICOGI 13, doanh nghiệp này còn có một số cổ đông đáng chú ý như CTCP Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCB Capital), CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam, CTCP Dịch vụ Hàng không Thăng Long… Hiện LICOGI 13 – FC có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, ông Lại Văn Mạc làm Tổng Giám đốc.

Thu Minh

FILI

Theo Vietstock , Bài viết gốc

( Chúng tôi chỉ trích dẫn nguồn tin từ internet )

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Compare Listings