Cần 242.000 tỷ đồng để ‘nâng cấp’ 5 huyện ngoại thành TP.HCM
Cần 242.000 tỷ đồng để ‘nâng cấp’ 5 huyện ngoại thành TP.HCM
Cần 242.000 tỷ đồng để ‘nâng cấp’ 5 huyện ngoại thành TP.HCM
Ước tính nhu cầu tổng vốn đầu tư cho 5 huyện ngoại thành TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030 dự kiến khoảng 242.000 tỷ đồng. Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, cơ hội thu lại giá trị gia tăng từ đất có thể đạt khoảng 528.000 tỷ đồng trong 10 năm tới.
Theo UBND TP.HCM, việc thực hiện đề án đầu tư – xây dựng 5 huyện (gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ ) thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM là cơ hội, điều kiện để tập trung các nguồn lực đầu tư, cải thiện, khắc phục và nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn về cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Qua đó, UBND TP.HCM đã giao các sở, ngành khẩn trương triển khai đề án khoa học đối với 5 đề án nhánh: Đề án Kinh tế đô thị, do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; Văn hóa đô thị, do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì; Hạ tầng đô thị, do Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì; Con người đô thị, do Viện nghiên cứu phát triển thành phố chủ trì và đề án Quản lý nhà nước, do Sở Nội vụ chủ trì.
Với hạ tầng yếu kém, huyện Củ Chi cần đầu tư xây dựng, nâng cấp bằng các dự án lớn trước khi chuyển thành thành phố trực thuộc TP.HCM |
Đến nay, đề án nhánh “Con người đô thị” và “Quản lý nhà nước” đã hoàn thành, được nghiệm thu.
UBND TP cho biết, trước mắt, sẽ ưu tiên bố trí kinh phí đối với công tác lập quy hoạch phân khu cho các huyện. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể để thuận lợi triển khai, trong đó có khâu chuẩn bị nguồn lực và phân kỳ đầu tư.
Theo ước tính, nhu cầu tổng vốn đầu tư cho 5 huyện giai đoạn 2021 – 2030 là rất lớn, dự kiến khoảng 242.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kết quả phân tích của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, cơ hội thu lại giá trị gia tăng từ đất có thể đạt khoảng 528.000 tỷ đồng trên địa bàn 5 huyện trong 10 năm tới.
Vì vậy, để đảm bảo tiến độ và tính khả thi, trước mắt cần ưu tiên đầu tư các dự án, đề án mang tính động lực, làm đòn bẩy để phát triển lan tỏa ra các khu vực khác trên địa bàn 5 huyện ngoại thành.
Đồng thời, vận dụng cơ chế chính sách khai thác tối đa giá trị gia tăng từ đất trong quá trình đầu tư, phát triển trên địa bàn các huyện, thông qua phương thức điều tiết và nguồn thuế, phí và mô hình điều tiết phù hợp.
UBND TP cũng đánh giá, việc triển khai các đề án trên là một trong những giải pháp trọng điểm, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển của các huyện nói riêng và TP.HCM nói chung.
Tránh việc đô thị mọc lên giữa “đồng không mông quạnh”
Thực tế, việc “nâng cấp” 5 huyện ngoại thành diễn ra từ năm 2021, khi Sở Nội vụ TP.HCM có kế hoạch xây dựng Đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố, giai đoạn 2021-2030.
Sau khi đề án được công bố, 5 huyện ngoại thành đã tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư về định hướng phát triển lên quận trước 2030. Sau đó, lần lượt 5 huyện ngoại thành đều công bố ý định nâng cấp lên thành phố, thay vì quận.
Trước tình hình đó, cuối tháng 11/2022, UBND TP.HCM đã yêu cầu 5 huyện không đề xuất lên quận hoặc thành phố mà phải chờ sau khi đạt các tiêu chuẩn về kinh tế – xã hội, hạ tầng giao thông… thành phố sẽ quyết định mô hình phù hợp với từng địa phương.
UBND TP.HCM và các chuyên gia cảnh báo, việc chuyển huyện thành thành phố cần tránh sốt đất và tránh việc đô thị mọc lên giữa “đồng không mông quạnh” |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, việc quyết định cho các huyện lên quận hay thành phố không phải thẩm quyền của UBND TP.HCM mà do Quốc hội phê duyệt.
Cũng theo ông Hoan, việc các huyện tập trung quá nhiều vào mục tiêu lên quận hoặc thành phố dễ dẫn đến suy nghĩ “ngủ một đêm là lên đời”, thay vì quan tâm đến quá trình đầu tư xây dựng để phát triển đô thị.
Hệ quả sẽ dẫn đến phát triển tự phát, xuất hiện tình trạng đô thị nổi lên giữa “đồng không mông quạnh”, không có đường sá, hệ thống cấp nước hoàn chỉnh.
“Thông tin lên quận hoặc thành phố của các huyện cũng gây sốt đất, dẫn đến khó thu hồi khi dự án hạ tầng thật sự được triển khai”, ông Hoan cảnh báo.
Tại một buổi tiếp xúc cử tri quận 7 và huyện Nhà Bè, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu lãnh đạo các địa phương quan tâm tuyên truyền, quản lý đất đai trên địa bàn, tránh việc một số huyện chưa lên quận hoặc thành phố mà giá đất đã lên cao, gây khó cho quy hoạch, thu hồi đất thực hiện các công trình sau này.
Về vấn đề này, khi làm việc với một số huyện về tình hình kinh tế – xã hội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhắc nhở báo chí và các đơn vị thận trọng trong thông tin “chuyển các huyện lên quận hoặc thành phố”. Việc này, theo Bí thư Thành ủy là để tránh tình trạng mua bán, đầu cơ đất ồn ào.
Tại hội thảo Đầu tư – xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố mới đây, các chuyên gia cho rằng, vấn đề cốt lõi khi chuyển huyện lên thành phố thì cuộc sống của người dân phải được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Tuy nhiên, điều dễ thấy nhất là giá trị đất đai sẽ tăng nhanh vùn vụt. Ngay từ mới khi nghe phong thanh thông tin thì các loại “cò đất” to nhỏ đã hoạt động náo nhiệt các vùng quê, làm nhiễu loạn thị trường.
Điều này đặt ra yêu cầu chính quyền huyện phải sử dụng các công cụ quy hoạch, pháp luật, tín dụng để điều tiết. Tránh tình trạng “cò” đất phân lô bán nền trái phép tràn lan. Nếu công cụ quy hoạch được sử dụng đúng lúc, chính quyền cơ sở vào cuộc quyết liệt, quản lý chặt chẽ thì sẽ ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, trục lợi.
Hồ Văn
Theo Vietstock , Bài viết gốc
( Chúng tôi chỉ trích dẫn nguồn tin từ internet )