Bộ Xây dựng nói gì về việc dân không có nhà mà loạt dự án bị bỏ hoang?
Cử tri phản ánh, hiện rất nhiều người dân có thu nhập thấp không có nhà ở, nhưng lại có không ít dự án bất động sản bị bỏ hoang mà người có thu nhập thấp không thể tiếp cận được.
Từ thực tế đó, cử tri Long An kiến nghị Trung ương tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra toàn bộ các “quy hoạch treo”, tồn tại lâu mà không thực hiện gây khó khăn, bức xúc, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Nếu quy hoạch không có tính khả thi thì dỡ bỏ.
“Ôm đất” 2 năm có thể bị thu hồi
Ghi nhận từ thực tế, trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, nhu cầu nhà ở nhiều, nguồn cung trong vài năm qua hạn chế thì tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… không ít các dự án chung cư, khu đô thị được đầu tư xây dựng lại rơi vào cảnh bỏ hoang, chậm tiến độ “đắp chiếu” dở dang.
Đối với các dự án này, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của pháp luật về đất đai, dự án bất động sản phải được triển khai đầu tư xây dựng, đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chủ đầu tư dự án nhận bàn giao.
Quá thời hạn trên, nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng mà không có lý do chính đáng thì chủ đầu tư có thể bị thu hồi diện tích đất đã nhận bàn giao.
Dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ tại khu đất 2.291m2, địa chỉ 120 Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội) của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) được bàn giao từ năm 2012 đến nay vẫn không được thực hiện. Ảnh: Thạch Thảo |
Bộ Xây dựng nêu rõ: Theo quy định của pháp luật về đầu tư, chủ đầu tư dự án sẽ bị xử phạt nếu không thực hiện triển khai đầu tư xây dựng theo tiến độ, nội dung dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Do vậy, để hạn chế tình trạng có dự án bất động sản bỏ hoang, chậm triển khai… như phản ánh, theo Bộ Xây dựng, các địa phương cần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh đối với các dự án bất động sản theo quy định.
Thu hồi dự án “đắp chiếu”, xử lý các cán bộ gây ách tắc
Nhìn nhận về vấn đề “quy hoạch treo”, “dự án treo”, Bộ Xây dựng cho hay, thời gian qua, để khắc phục tình trạng trên ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi số 62/2020. Trong đó quy định người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn tại khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hàng năm, Bộ Xây dựng đều ban hành các kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc nhằm tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt.
Đồng thời, Bộ đã tổ chức các đoàn thanh tra tại các địa phương trong công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm.
Những khối nhà tái định cư bỏ hoang, phơi nắng, phơi sương suốt nhiều năm ở Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo |
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, để khắc phục triệt để tình trạng này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa bộ, ngành và chính quyền các địa phương.
Cụ thể, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng. Hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Ngoài ra, cần tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định. Xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Về phía chính quyền các địa phương, Bộ Xây dựng lưu ý cần tổ chức rà soát quy hoạch theo quy định, kịp thời điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội theo quy định.
Rà soát để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch thiếu khả thi, không thể triển khai thực hiện, rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.
Hồng Khanh