Vì sao chủ đầu tư và người mua nhà không mặn mà với gói vay 120.000 tỷ đồng?
Do kinh tế khó khăn, khách hàng hiện ưu tiên duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét mua nhà. Một số dự án không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc thu xếp nguồn vốn khác.
Vietcombank vắng tên
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tiến độ thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đến nay mới chỉ có 28/63 UBND tỉnh, thành phố gửi văn bản hoặc công bố danh mục dự án tham gia chương trình với 68 dự án.
Các địa phương công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)… Trong đó, 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc thu xếp nguồn vốn khác.
Các ngân hàng thương mại cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng. 10 dự án có nhu cầu giải ngân, bao gồm 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu tư dự án là 1.965 tỷ đồng, đã giải ngân 640 tỷ đồng; và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.
Cụ thể, BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương, với số tiền là 95,7 tỷ đồng. VietinBank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang, với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án, với số tiền 400 triệu đồng.
Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang, với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án, với số tiền là 5,7 tỷ đồng.
Báo cáo của NHNN không nhắc đến Vietcombank.
Một dự án nhà ở xã hội tại TP. Thủ Đức, TP.HCM dự kiến hoàn thành trong năm nay. Ảnh: C.T.V |
Vướng mắc do đâu?
Qua thời gian triển khai chương trình, NHNN nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu là về nguồn cung và về phía người mua nhà.
Về nguồn cung, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác). Một số dự án gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới các TCTD chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Về phía người mua nhà, hiện nay, người mua nhà tại một số dự án đã vay vốn tại NHCSXH theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, cho thấy các đối tượng này sẽ có xu hướng lựa chọn vay vốn tại NHCSXH với lãi suất cho vay ưu đãi hơn (chương trình có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).
Khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn như: bị cắt giảm nhân sự, giảm lương do không có đơn hàng… dẫn đến nguồn thu nhập của khách hàng sụt giảm.
Do đó, khách hàng hiện ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này.
Được biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho bình quân trung dài hạn của 4 NHTM nhà nước trong từng thời kỳ; định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ cho các NHTM.
Kể từ khi triển khai Chương trình đến nay, NHNN đã 2 lần điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm dần đối với chủ đầu tư và người mua nhà lần lượt từ mức 8,5%/năm và 8%/năm (từ 1/4/2023) xuống còn 8,2%/năm và 7,7%/năm (từ 1/7/2023); và tiếp tục giảm xuống 8%/năm và 7,5%/năm kể từ 1/1/2024.
Về thời gian hỗ trợ, đối với chủ đầu tư là 3 năm, đối với người mua nhà là 5 năm từ ngày giải ngân.
Tuân Nguyễn